Kenya một mùa xuân hụt

Untitled photo

0. Sáu giờ sáng trên chuyến tàu Nairobi đi Mombasa, người mẹ trẻ địu con ngồi bên khung cửa sổ ở toa ăn. Có những khoảnh khắc mà ta cảm thấy không thể tái tạo lại.

Mặt trời lên, tròn vành vạnh, chớp nháy qua khung cửa sổ làm cô bé thức giấc, nhoài người ra khỏi chiếc địu để lộ mái tóc bông xù dưới nắng. Cả khoang tàu đông kín khách tự nhiên chợt lặng im trong một tích tắc. Điện thoại của tôi đang bật một bài như tạc ra cho riêng lúc này đây.

Cô bé đặt hai bàn tay bé tí hin lên bầu ngực mẹ, cảm nhận rằng mẹ vẫn ở đấy, ngẩng đầu lên nhìn mẹ cười mãn nguyện. Người mẹ khẽ chớp mắt, và một dòng nước mắt tuôn rơi...
Một tích tắc ngắn ngủi mà có thể ẩn chứa cả một câu chuyện dài khiến người ta day dứt.

1. Hình ảnh ấy làm luồng kí ức của tôi trở những ngày cuối Tháng Ba năm 2017. Trên chuyến bay từ Nairobi về Düsseldorf, tôi bật nghe “The Very Thought of You" của Ella Fitzgerald và cảm thấy phấn chấn vì sắp được gặp lại vợ sắp cưới. Vẫn đáng tin cậy và trung thành như thường lệ, âm nhạc luôn là thứ kích thích cảm giác thật thà và vĩ đại nhất. Tôi ngắm nhìn các nữ tiếp viên của Emirates đi lại như con quay dệt vải. Các cô thật đẹp, nhã nhặn, nói tiếng Anh chuẩn xác và luôn đeo phù hiệu cờ nước mình trên ngực áo. Tôi đếm được bốn nước tất cả: Trung Quốc, Thuỵ Điển, Mỹ, Kenya. Bay Emirates rất nhiều lần, những cô gái tiếp viên của hãng hàng không này chưa bao giờ làm tôi hết ngạc nhiên vì khả năng và phong cách chuyên nghiệp của họ. Có một chuyến bay mãi tận sau này của tôi từ Sài Gòn về Düsseldorf, tôi muốn đổi Sim chiếc điện thoại của mình mà không có kim mở chuyên dụng. Trước yêu cầu ngớ ngẩn đó của tôi, cô gái Thuỵ Điển với cái tên Elsa đã tháo ngay tấm bảng tên có ghim nhọn cài áo của cô để tôi sử dụng. Nhanh như cái chớp mắt, không chần chừ do dự.

Bên trái là bức tường màu kem nhạt của pháo đài bay Airbus A380-800. Bên phải tôi là một bà lão, người có khả năng phi thường (ít nhất với tôi) là ngồi không làm gì trong suốt mấy tiếng: không ngủ, không xem phim, không bật điện thoại, không đọc sách cũng chả có vẻ gì là đang suy nghĩ. Như thể đang chìm vào trạng thái thiền hay một thế giới song song nào khác.

Nhìn bà lão khiến tôi buồn ngủ, tôi mở một chương bất kỳ trong cuốn "Hội hè miên man" của Hemingway ra đọc. Tự nhiên ngay trong khoảnh khắc ấy, tôi thích “ép” mình viết một cái gì đó. Có lẽ Hemingway không tưởng tượng được việc viết lách trên một cỗ máy khổng lồ bay giữa độ cao 12 nghìn mét, ầm ĩ một cách phô trương và xuất sắc như đám đông ca ngoi một thắng lợi hiển hách của gã chiến binh giữa đấu trường. Tôi cũng không tưởng tượng được cảnh mình viết những dòng nguệch ngoạc giữa ba trăm con người. Tận ba trăm. Người ta tính toán rằng một người bình thường sẽ gặp tổng cộng 80,000 người trong cả quãng đời mình. Năm vừa rồi tôi bay 40 chuyến tức là 40x300=12000 người tôi đã cùng hít thở và chia sẻ bầu không khí khô loãng trong cabin máy bay. Bảy năm nữa, tôi sẽ gặp đủ số người tôi lẽ ra chỉ nên gặp trong cả cuộc đời, có lẽ vì thế nên trong những khoảng thời gian riêng tư của mình, tôi chỉ tìm cách tránh xa con người như một cách để bù trừ lại. Quay lại với chuyện viết, tôi vẫn thường không viết được gì khi ở chỗ nào quá đông người. Bối cảnh nó hiện đại, hiện thực và phản lãng mạn quá.

Như một mùa xuân hụt.

Tôi tưởng tượng Hemingway hiện ra như Gil quay trở về quá khứ trong “Paris ở nửa đêm”, vừa nốc rượu bourbon như nước lã, rồi tiếp theo là một ly dry martini 15 phần gin 1 phần vermouth như đại tá Richard Cantwell trong “Across the River and Into the Trees”, vừa nói một câu tôi phịa ra, “Hãy đi đi, và để những câu chuyện đời ám vào người mày, viết nó ra mạch lạc cũng được mà lạc đề cũng chả sao, nhưng giản dị và truyền cảm từ đầu đến cuối, đừng có chớp nhoáng mấy dòng ngắn củn lụt vô nghĩa sau đó tìm cách lắp ghép lại thành một mớ hỗn độn kiểu văn mỳ ăn liền ba xu xưa nay mày vẫn thường viết.”

Nhưng chuyến bay còn dài, tôi có cảm giác hôm nay mình sẽ gặp may và viết được gì đó tử tế. Cũng chính Hemingway đã viết, "Khi mùa xuân đến, dù là mùa xuân hụt, không có vấn đề gì ngoài mỗi một việc là tìm nơi tận hưởng đến cùng. Thứ duy nhất có khả năng làm hỏng một ngày là con người. Con người chính là nhân tố làm mất vui, trừ một vài người hiếm hoi luôn tươi trẻ như chính mùa xuân."

Mỉa mai thay, cuộc đời tôi mấy năm gần đây xoay quanh việc tìm cách tránh né đám đông để viết về họ, nhiệt thành hơn cả những người tự nhận họ yêu con người và thích tụ tập đám đông nhiệt thành nhất. Tôi chán ghét và bị hấp dẫn bởi con người với cùng một lực hấp dẫn mạnh tương đương. Tôi đi đến những nơi hẻo lánh vắng người nhất để viết, nhưng bóng dáng con người vẫn luôn là những nhân vật chính xuyên suốt của cuốn tạp văn. Rồi ủ mưu viết ba kịch bản về con người, rồi từ đó làm ba phim ngắn, tiếp theo là xin tài trợ của một tổ chức nào đó, biến chúng thành một trilogy ba phim truyện. Đấy là tôi đã tưởng tượng ra như thế. Thậm chí tôi đã dở hơi và nghĩ ra cả một cái tên hẳn hoi, oách như bao đạo diễn tôi thầm hâm mộ khác như Eric Rohmer với Six Moral Tales hay Pigs, Pimps & Prostitutes của Shohei Imamura. Vào thời điểm này tôi mới viết và quay phim ngắn (nếu có thể gọi cái đó là phim một cách lạc quan tếu!) được một truyện. Tập thứ hai va thứ ba, bối cảnh và cốt truyện đã có, hẳn tôi đã đứng giữa nó rồi đấy, nhưng vẫn lờ mờ như đứng giữa làn sương mù, thất bại trong việc chuyển nó thành câu chữ. 

Untitled photo

2. Chuyến đi Kenya lần này, tôi thu thập đuoc nhiều thứ hay ho từ những góc nhìn hết sức khác nhau. Hôm nay có thể ở Airbnb 20€/đêm của một gã Kenya trung lưu vừa chụp ảnh và chạy uber để kiếm sống, hôm sau đã thành ở resort sang trọng bên hồ Naivasha có đủ hà mã, hươu cao cổ, trâu, linh dương, ngựa vằn vàn đi dạo tự do lơ thơ trong khuôn viên. Lương hai tháng của người kéo vali giúp tôi lên phòng (theo lời gã) không đủ để trả tiền phòng một đêm.

Hôm nay có thể ở một khách sạn kiểu cắm trại du lịch sinh thái đắt tiền ở nơi đồng không mông quạnh giữa khu bảo tồn quốc gia Masaai Mara mà nếu phải tự trả tiền thì chắc chỉ một tuần là tôi nhẵn túi, nơi sao trời sáng rực cả đêm, và lợn lòi đào đất trước cửa trại, hôm sau đã ở trong căn hộ Airbnb khác, rẻ tiền nhưng ấm cúng và mến khách gần trung tâm Nairobi của một bà mẹ đơn thân khá giả có trong mình ba dòng máu Đức, Mỹ, Kenya với hai cô con gái còn tuổi đi học nhưng thích chụp ảnh. Tôi đi vào tâm bão do chính mình tạo ra, xa ra và gần lại, tự làm mình mệt nhử với những luồng suy nghĩ ngớ ngẩn và mộng mơ. Điều gì đưa tôi đến Kenya?

Tôi là một gã người Việt Nam chính gốc. Ờ thì nước da đen bóng của tôi khiến cả người Thái lẫn người Việt đều nghĩ tôi người Thái, còn tôi tự nhìn mình là một kẻ vô quốc tịch, một công dân Trái Đất - nhưng ờ thì tôi vẫn là một người Việt chính gốc, với khả năng viết tiếng Việt tròn vành rõ chữ dù đã ở Đức được một thập kỉ. Dù có cố gắng đến đâu, không có thứ ngôn ngữ nào có thể biểu đạt những gì cảm xúc của tôi chính xác như tiếng Việt. Sam và Doris đến từ Trung Quốc. Instagram đưa chúng tôi đến với nhau. Mười năm, năm năm trước, ngay cả trong những giấc mơ điên rồ nhất tôi cũng không nghĩ là mình sẽ sống bằng nghề chụp ảnh cưới, nhất là destination wedding, đi khắp đủ các châu lục như chuyến đi Kenya này.

Năm 1994, viện khoa học Trung Quốc (CAS) thiết lập thành công đường dây Internet đầu tiên, kết nối hệ thống trao đổi thông tin liên lạc với Bắc Mỹ và châu Âu. Chỉ trong vài năm tiếp theo, chính phủ Trung Quốc đã tìm cách giới hạn và kiểm soát internet mà ngày nay được biết đến với cái tên “Tường Lửa Vĩ Đại" hay “Vạn Lý Trường Thành trên mạng". Google, Facebook, Gmail, Instagram, Twitter, Vimeo, Youtube và hàng nghìn trang web nước ngoài khác bị chặn ở Trung Quốc đại lục. Ngay cả trang web của tôi cũng bị chặn, và có trời mới biết tại sao. 

Untitled photo

Nói dài nói ngắn, Sam và Doris đã tìm thấy tôi trên Instagram, mạng xã hội của Mỹ thông qua hệ thống VPN đặt máy chủ ở Ấn Độ. Ba tuần lên kế hoạch và chúng tôi bay tới Kenya bằng hai hãng không Trung Đông khác nhau, Etihad và Emirates. 6177 và 9214 cây số từ Bắc Kinh và Dusseldorf tới Nairobi. Chỉ nguyên những con số không thôi đã nói lên nhiều thứ về cuộc phiêu lưu có một không hai này.

Bước lên chiếc Jeep Land Cruiser xanh nõn chuối chín chỗ khổng lồ đón tôi, Sam và Doris từ hồ Naivasha, anh tài xế đã cảnh báo, 60 cây số cuối trước khi đến Mara mới là món hàng thật sự mà Mara tặng để tỏ lòng “hiếu khách".

Tôi chỉ cười và thầm nhủ, “Cứ thử xem.” Hai mươi cây số đầu thật hân hoan, thật là một trải nghiệm thực sự khó quên. Tôi đã nghĩ đến việc múa những dòng văn ghi lại cảm xúc của mình đậm chất thơ. Rằng người ơi, cung đường này đừng có bị bê tông hoá để phá hoại cảnh quan hoang sơ đến từng này.

Hai mươi cây số tiếp theo, những gì còn đọng lại trong tôi chỉ còn: "Mẹ kiếp, con đường chết tiệt này bao giờ mới hết đây."

Và rồi đến hồi ba, chốt hạ, nếu ở đây, bạn cũng sẽ như tôi, im lặng tuyệt đối dựa đầu vào cửa kính ngắm bụi đất vàng vọt bay qua mặt mình, để nó tẩn cho mình một trận bầm dập, từng nhịp một. Nhưng chỉ có thế thì đồng cỏ mới có thể xuất hiện! Như con đường gạch vàng đưa Dorothy và chú chó nhỏ Toto trong “Phù thuỷ xứ Oz” đến thành phố Ngọc Lục Bảo. Mara xanh rì và bạt ngàn dài đến tận chân trời. Người ta bảo vào những ngày đẹp trời, ta có thể nhìn thấy những gì ở xa đến 40 cây số.

Lấp ló trên nền xanh bất tận của Mara là người Masaai trong chiếc chăn khoác qua người màu kẻ ca-rô đỏ đen đặc trưng từ thời thuộc địa Anh. Mỗi một gã Masaai có những đàn gia súc hàng trăm con chăn thả sát mép khu bảo tồn, ngay ngoài cổng Musiara. Ngựa vằn, sư tử, báo, voi, hà mã, lợn lòi, trâu, hươu, linh dương, bò, cá sấu, ... nhiều không đếm xuể. Bất chấp việc đã nhìn thú hoang ngàn vạn bốn trăm lần qua màn hình, chứng kiến chúng tận mắt ở đây giữa môi trường của mình, bằng cả năm giác quan thật sự là một trải nghiệm hoàn toàn khác.

Sao trời ở Governors Camp nơi Sam, Doris và tôi ở sáng rực cả đêm, và lũ lợn lòi con đào đất lục sục trước cửa trại. Ở dưới bờ sông Mara sắp cạn, đàn hà mã đập nước bì bõm, rống lên một bài phát biểu rực rỡ và kết thúc đêm của chúng bằng một tràng rắm to không kém. Nhưng đêm của tôi vẫn còn dài.

Tôi chắc rằng Sam và Doris có thể chia sẻ và hiểu được những cảm xúc của tôi với Mara. Chúng ta chẳng biết chuyện gì sẽ xảy ra với đời mình. Một sự kiện xảy ra, nó có thể là tất cả và cũng có thể chẳng mang ý nghĩa gì đặc biệt. Tôi chỉ biết cứ tiếp tục bước, chân này nối tiếp chân kia và một ngày nào đó ngoảnh lại, ta đã trèo lên đỉnh một ngọn núi tuyết vĩnh cửu. Hoặc vài. Hoặc cưới nhau ở Mara, giữa nơi đồng không mông quạnh, với người tình và người bạn thân nhất của mình. Tôi lại nhớ Sam nhảy múa và hát theo những chiến binh Masaai trẻ tuổi, điệu nhảy truyền thống để chứng tỏ sức mạnh của mình với phụ nữ. Tôi nhớ già làng Masaai nhổ sữa dê lên chân cô dâu chú rể để chúc phúc cho đôi trẻ một cuộc sống đủ đầy. Liệu tôi có khả năng diễn tả lại chúng bằng lời và hình ảnh? Dù chỉ là một cơ hội mong manh nhất? 

Untitled photo

3. Tôi luôn có cơ may được gặp những anh tài xế Uber chịu khó trò chuyện. Một gã cho tôi biết hệ thống giáo dục của Kenya chia làm hai cấp. Tiểu học từ lớp Một đến lớp Tám, trung học từ Chín đến 12. Đại học bốn năm, cao đẳng ba năm. Trẻ em ba tuổi đi mẫu giáo ba năm. Học phí đắt đỏ so với điều kiện sống, nhưng có một sự chênh lệch lớn giữa những công việc lao động chân tay và những người có bằng đại học. Đó là một cuộc nói chuyện dài trên đường tới sân bay khi tôi rời Nairobi để quay lại Đức - gã trai trẻ mới bằng tuổi tôi (28) nhưng đã có hai cậu con trai. Cậu bé út Sáu tuổi học lớp Một, học phí tính ra khoảng 200$ một kì (một kì tiểu học/trung học ở Kenya dài ba tháng, một năm ba kì), chưa tính tiền ăn trưa và các phụ phí cho trường khác. Học phí trung học đắt gấp đôi và học phí đại học khoảng 4000$ một năm. Lương tháng một người công nhân xây dựng (thợ xây....) khoảng 150-300$. Lương giáo viên tầm 1000$ và lương của một kỹ sư tốt nghiệp đại học khoảng 4000-5000$.

Lương trung bình của người dân Đức khoảng 40,000€. Tiền phụ cấp cho mẹ, cho con. Giáo dục miễn phí cho đến hết cấp ba. Đại học chỉ phải đóng một khoản phí tượng trưng xây dựng trường không đáng kể mỗi kì. Cái đặc quyền miễn phí giáo dục mà ngày xưa tôi cũng được nhận khi 18 tuổi sang Đức học đại học. Ngày trước gã cũng làm kĩ sư (học nghề, không phải đại học) nhưng có một thời gian chán đời nên bỏ chuyển sang chạy Uber, thu nhập không đến nỗi quá tồi, lịch làm việc thì tự chủ, có nhiều thời gian dành cho vợ con hơn. Nhưng gã biết cũng sẽ không kéo dài mãi như thế này được, sớm hay muộn gã cũng định đi học cao lên và quay lại làm công việc của mình. Chỉ có điều, giờ cứ tận hưởng khoảng thời gian này đã. Con còn bé, tuổi ấu thơ của chúng rất quan trọng đấy, đã đi sẽ không trở lại, còn việc kia, tao bỏ Uber quay lại làm lúc nào chả được. Tôi hỏi gã có chán ghét tổng thống của nước mình không, nhưng những người Kenya hình như thật lạc quan, có lẽ đó là lý do họ sống vui vẻ hơn người Đức. Ông ta sống sung sướng như vua thật đó, nhưng ít ra còn được việc hơn nhiều người cầm quyền trước đó. Ấy là gã đã nói thế. 

Untitled photo

4. Ở ngoài thiên nhiên hoang dã của Kenya, hiếm khi tôi phải tham gia những “sự kiện xã hội", có lẽ cái lần duy nhất tôi phải “đụng độ” với đám đông là bữa tiệc cuối tuần ở khu nghỉ dưỡng bên hồ Naivasha. Tôi để ý đến anh, một gã Masaai chính gốc, mỗi tối thứ Bảy lại đến đây hát và chơi đàn kiếm sống. Tôi băn khoăn liệu anh được họ trả bao nhiêu? Bao nhiêu là đủ để bắt một người đứng hát lạc lõng giữa những kẻ ngoại quốc cũng lạc lõng với Kenya. Họ đâu đoái hoài đến Kenya hay đến anh. Thế giới này giờ chỉ đầy rẫy những kẻ tự yêu bản thân mình mà thôi. Anh lặng lẽ hát những bài quen thuộc với người phương Tây như Hakuna Matata, Can you feel the love tonight, Under African Skies... để chiều lòng họ.

Mặt anh chỉ bừng sáng khi hát đến một bài anh viết, chẳng có tên cũng chưa bao giờ được thu âm lại dưới hình thức nào. Tôi thấy bài hát thật hay dù sau đó anh kể tôi rằng nó nói về tình yêu kính chúa và tôi thì chẳng quan tâm gì đến chúa Giê-su của anh. Tôi nài nỉ anh đặt tên cho nó cũng như để tôi thu âm lại bằng điện thoại, định về nhà sẽ tải lên soundcloud. Hãy để tôi cùng hàng triệu triệu người vô danh khác làm những lưu trữ viên của thế giới, lưu giữ những gì đẹp đẽ nhất, dù nhỏ đến đâu. Miên man nghe mãi cho đến khi chìm vào giấc ngủ mơ màng, tôi đã cầu cho thế giới cần thêm những người đáng mến như anh, thay cho bè lũ khốn nạn, bỉ ổi và trục lợi. Nếu như thế, có lẽ tôi đã yêu con người hơn nhiều chút.

5. Lúc từ Mara quay lại thủ đô Nairobi, tôi gặp một người nghệ sĩ ở khu chợ trung tâm Nairobi. Anh bán những bức tranh anh vẽ, trên lá chuối hay vải, vẽ tay từng bức một. Trước khi đến đây, tôi đã được những người bạn (phương Tây có, Kenya có) cảnh báo về chuyện mặc cả và ép giá. Tôi đã mặc cả tấm tranh Panorama treo tường và bốn tấm lót bàn ăn bằng lá chuối xuống giá một nửa, hả hê như một chiến thắng vang dội. Sau khi mua, anh vẫn vui vẻ và kể một cách say mê về quy trình vẽ tay những tấm tranh này. Ở đó toát ra sức sống và ánh sáng, sự tự hào. Giống như tôi hay thao thao bất tuyệt về phim ảnh khi gặp được cạ. Lúc đó tôi mới biết anh vẽ bằng cách lấy dao khắc lên vải cho thành nét, sau đó chấm dao vào màu acrylic tô lên những chỗ đã chạm khắc. Từng nét một, và một bức tranh có thể mất từ ba ngày đến một tuần. Đột nhiên tôi cảm thấy xấu hổ và khó chịu với bản thân mình vì đã mặc cả.

Đúng là phải đi và chứng kiến tận mắt, đừng để những gì truyền thông và người khác áp đặt định kiến lên suy nghĩ của mình. Những người Kenya tôi gặp, họ đều là những người thân thiện, vui vẻ nhất thế giới. Tôi chả nhớ tên anh nữa, chỉ nhớ được anh họ Mwangi, vì anh kể đó là họ phổ biến nhất ở Kenya, giống như họ Nguyễn ở Việt Nam. Một thằng Nguyễn của Việt Nam nói những câu chuyện bâng quơ không đầu không đuôi với một ông Mwangi ở Kenya - chỉ thế thôi mà nghĩ lại thấy bồi hồi không rõ.

Đời có những cách sắp đặt thật kì lạ, và ở giữa cái bối cảnh hổ lốn ấy của khu chợ trung tâm ở Nairobi nóng nực và bụi bặm, giữa tiếng còi xe inh ỏi và hàng đoàn người đi bộ kín lề đường tìm chỗ ăn trưa, hay giữa Masaai Mara ngút ngàn đồng cỏ, gió và mùi của tự do tôi đã tìm thấy gì đó thật nặng để lấp đầy khoảng trống của mùa xuân hụt trong mình. Còn cái đó là cái gì thì tôi cũng không miêu tả được. Nó là tiếng động cơ xe Jeep bốn cầu khô không khốc nghiền qua bụi đá, tiếng nói chuyện của những người bạn đồng hành, những câu truyện kể bất tận từ Phi châu. Chiếc Land Cruiser quay lại con đường quen thuộc nối hai thế giới tưởng gần trên số liệu mà cách nhau xa vời vợi, giống như vừa lướt qua một làn sương mù dày đến nỗi nước bám dính lại trên mặt. Ta biết rằng, những hình ảnh rực rỡ này sẽ còn tiếp tục nhảy múa như một trong những ký ức đẹp nhất của đời mình: bạn, người tình và đồng loại.


Bộ ảnh ở Kenya: 
http://www.tunguyenwedding.com/Gallery/Masai-Mara-Elopement-Kenya


© Tu Nguyen Wedding Photography in Greece, Italy, Spain, France & Germany // +49 176 5650 8077 // info@tunguyenwedding.com

Powered by SmugMug Owner Log In